“Muối ba năm muối vẫn còn mặn, gừng chín tháng gừng vẫn còn cay. Tay nâng chén muối đĩa gừng. Ai ơi, gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” – Trích nhạc phim Hai Muối
Ban đầu mình cũng hông định đi coi phim này vì phần quảng bá phim mà mình được biết đến thì toàn lấy hình diễn viên Quyền Linh ra làm trung tâm để thu hút chứ chưa thực sự nêu được giá trị cốt lõi nào đó của phim làm điểm nhấn. Mà tánh mình thì hông thích chữ “gánh team”, nhưng sau thì idol của mình (1 linh mục) có chia sẻ là Cha đi coi phim xúc động lắm nên mình đi coi.
Sẵn tiện thích viết nên viết đôi dòng:
A. ĐIỀU ĐOÀN PHIM HAI MUỐI ĐÃ LÀM ĐƯỢC
1. Cách đặt câu chuyện và bối cảnh thuần Việt
Mình thích các phim lấy cốt truyện xoay quanh khía cạnh tình cảm gia đình và lấy bối cảnh làng nghề truyền thống Việt Nam. Phim Hai Muối lấy bối cảnh tình cha con ở làng làm muối tại huyện Cần Giờ.
Hình ảnh người cha đơn thân nuôi con gái thành tài, người cha chính trực nghĩa khí và hết lòng thương con, tần tảo đổ “cả tấn mồ hôi” lo cho con gái khi vợ đã không may mất sớm là hình ảnh đáng trân quý. Mình nghĩ đây là một thông điệp rất đẹp về tình yêu hôn nhân gia đình rất nên được truyền rộng rãi khi mà xã hội ngày nay đâu đâu cũng thấy các tin tức các cặp đôi không yêu nữa là cho nhau “đăng xuất” làm xã hội lung lay niềm tin vào tình yêu.
Trong phim Hai Muối đã khắc hoạ chân thực nghề làm muối là nghề truyền thống tại Cần Giờ. Mình có nhiều lần ghé đến Cần Giờ mình có được thấy các ô muối trắng xoá của diêm dân, có được thấy rừng ngập mặn rộng bao la bát ngát rất đẹp và cũng có được thấy sự nghèo khổ của người dân nơi này. Những chi tiết này phải cảm ơn đạo diễn kiêm người viết kịch bản là chú Vũ Thành Vinh đã quảng bá được hình ảnh đẹp quê nhà.
2. Khá nhiều góc quay đẹp và giàu cảm xúc
Mình nhớ lần đầu tiên đến Cần Giờ là tầm 17 năm trước khi mình học môn Lễ hội truyền thống, năm 1 đại học. May mắn sao dịp kết môn thầy dẫn đi thực tế Cần Giờ cũng ngay dịp tổ chức lễ hội Nghinh Ông của người dân nơi này, nhóm sinh viên bọn mình được ngủ lại trong đình (ngủ tập thể) để trải nghiệm trọn vẹn 2 ngày 1 đêm dịp lễ hội lớn nhất nơi này, được xem các hoạt động sôi động của Cần Giờ: nghi thức tế lễ tôn vinh cá Ông (cá Voi), các đám rước, hoạt động đua thuyền trên biển, hát cải lương, hội chợ, …Những khung cảnh quen thuộc trong tâm trí thời đó mình được dịp nhìn lại trong bộ phim Hai Muối này.
Những khung hình rất thực tế về 1 vùng đất hiền hoà chân chất và còn khá nghèo dù là 1 huyện thuộc TP. Hồ Chí Minh. Xen kẽ các cảnh về đất nước làng quê làng cảnh của cha con Hai Muối, hình ảnh con người nhỏ bé cần mẫn lao động vất vả dưới đất trời thênh thang, bóng con người nhỏ xíu dưới cái không gian trắng xoá đem lại nhiều cảm xúc chua xót về một kiếp người nhỏ bé khổ sở quay quắt trong mưu sanh. Phân cảnh ba Muối ngồi trong cơn mưa được “triệu hồi” từ lời cầu của bà Tư Lạt “mưa cho anh Hai tui mát”, thể hiện rõ sự bất lực của con người trước thiên nhiên.
Nói chung là các phân cảnh ở huyện Cần Giờ đạo diễn đã xây dựng khá tốt giàu tính cảm xúc.
3. Thông điệp phim Hai Muối giàu tính nhân văn về tình gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình bạn bè
Tình cảm luôn là đề tài muôn thuở cho các bộ phim. Và cảm giác yêu thương: yêu và được yêu luôn là nhu cầu muôn thuở của nhân loại này. Trong bối cảnh ngày nay tình người luôn là thứ ngày càng xa xỉ hiếm hoi thì việc xây dựng mạch phim luôn đong đầy tình cảm từ cha con khắng khít dù bao khó khăn vất vả, tình làng nghĩa xóm dù giàu nghèo khác biệt, tình bạn bè dù có yêu cùng 1 người vẫn không tranh giành mà luôn ủng hộ bạn … làm người coi ấm lòng (mình đang nói đến vai Mạnh Mẽ Đỏ Chót á :)))
Mình thích một xã hội giàu tình cảm nên 1 bộ phim chứa nhiều tình cảm gắn bó của cả những người xa lạ dành cho nhau cũng là 1 điểm cộng.
4. Sự tinh tế trong phim Hai Muối qua những chi tiết thể hiện sự tôn trọng tự do tôn giáo
Chi tiết này chắc ít người để ý. Nếu để ý kỹ sẽ thấy có chi tiết nhân vật Phúc làm dấu Thánh Giá khi ăn cơm, dù là ăn tại nhà Hai Muối – một người không tôn giáo chỉ thờ ông bà.
Rồi chi tiết mọi người hướng về niềm tin tâm linh riêng khi gặp khó khăn: Phúc hướng về Chúa, Tư Lạt hướng về tín ngưỡng dân gian, Hai Muối cầu nguyện với vong linh của vợ. Cho thấy khi con người bế tắc thì yếu tố tâm linh là một chỗ dựa quý giá cho tinh thần.
Chi tiết Hai Muối trao con gái cho Phúc cũng là 1 chi tiết thấy sự tôn trọng tự do tôn giáo của đạo diễn, thường các phim sẽ làm đám cưới trong nhà thờ, nhưng dù xây dựng nhân vật Phúc theo đạo Công Giáo nhưng lúc đám cưới lại lấy bối cảnh ngoài nhà thờ. Theo mình đây cũng là 1 sự tinh tế của đạo diễn khi tôn trọng tự do tôn giáo tín ngưỡng của các nhân vật trong phim, cũng là xoá đi nhiều hiểu lầm kiểu: “Lấy người Công giáo là bắt buộc phải theo đạo”.
5. Diễn viên hợp vai
Mình thích bạn nữ chính, tạo hình rất giống SV ngành Du Lịch, có nét mộc mạc chân chất, diễn cũng ổn.
Cô Hồng Vân duyên dáng, chú Quyền Linh thì như đưa con người thật vào phim đâu cần diễn.
Dàn diễn viên phụ cũng hợp vai có lẽ vì đa phần toàn diễn viên chuyên nghiệp đi đóng vai phụ, đạo diễn chắc quen biết rộng :))
B. ĐIỀU MÀ ĐOÀN PHIM CÓ THỂ LÀM TỐT HƠN
6. Xác định lại bối cảnh của phim
Đoàn làm phim với kịch bản này, tạo hình như này… nên để bối cảnh những năm 2000 có lẽ người xem dễ chấp nhận hơn, tránh được việc bắt lỗi trong các “sạn” phía sau.
Mô típ con gái quê đậu đại học lên Sài Gòn học có chút nhan sắc rồi bị mồi chài bán thân rồi vượt qua rồi về giúp cho quê thoát nghèo qua cách kể của đạo diễn nó đã … xưa lắm rồi.
Thú thiệt ai coi phim khóc được có lẽ người đó có nhiều yếu tố kích hoạt cảm xúc cá nhân từ tình cha con trong gia đình, chứ bảo là do phim thì mình nghĩ phim chưa chạm tới được. Bản thân mình cũng muốn tìm chỗ để khóc nhưng tìm hoài đến hết phim chưa thấy, các chi tiết trong mạch phim Hai Muối nó lệch pha với năm 2024 nên dẫn đến nhiều sự vô lý khiến mình và chồng cứ “ủa ủa” mãi.
7. Kịch bản thiếu sự kết nối với thực tế
Như đã nói trên vì phim không nói rõ là bối cảnh nào nên người xem mặc định nó ở hiện tại và nếu ở hiện tại thì các chi tiết sau nhiều người sẽ thấy phi lý:
+ Con gái của Hai Muối là gái ngoại thành (chứ cũng chưa hẳn là gái quê) vì Cần Giờ thuộc TP.HCM mà, với trí tuệ bình thường của cô sinh viên thì thừa biết nhận 1 đống tiền mà mình chỉ đi chụp vài tấm hình thì phía sau phải là gì đâu cần ngây thơ tới mức hỏi: “tôi phải làm gì?”
+ Từ Cần Giờ lên Sài Gòn đâu có xa lắm đâu mà phim làm lâm ly bi đát như là đi từ Cà Mau hay Lào Cao xuống Sài Gòn học zị? chạy xe máy hơn 1 tiếng là tới rồi mà ??
+ Mạch phim khá rời ở những chỗ kiểu như: đang nằm viện khốn đốn không có tiền, cái đùng cái “3 years later” cái có tiền mở doanh nghiệp du lịch Muối – Muoi tourist, coi khúc này mình cười quá chừng vì mình liên tưởng tới môn mô phỏng doanh nghiệp của SV năm cuối ngành mình dạy, kiểu SV được đóng giả làm doanh nghiệp trong 2 tuần để chạy dự án mô phỏng. Chưa có chi tiết nào làm rõ hai cha con thoát nghèo thế nào để lập doanh nghiệp mà đùng cái dựng nhà dựng home rồi đón khách ầm ầm.. thấy giống mấy bé SV trường mình chạy mô phỏng hơn là hình dung ra được cha con Hai Muối đã đổi đời.
+ Chỗ xây dựng tình cảm lứa đôi cũng hơi gượng, mình chưa thấy đôi nam nữ trẻ Muối – Phúc có không gian phát triển tình cảm, tính ra là Muối nói chuyện với Mạnh Mẽ Đỏ Chót còn nhiều hơn với Phúc, vậy mà cuối phim cái 2 nhỏ lấy nhau. Ck mình bảo “sao lấy vk dễ vậy sao?”… cá nhân mình nghĩ nếu kết phim bằng đám cưới thì cho ông Hai với bà Tư cưới nhau coi bộ hợp tình hợp lý hơn nhỉ? hoặc là cần nhiều chi tiết cho đôi trẻ phát triển tình cảm hơn.
+ Chi tiết nữa dù là phim mang tính biểu trưng thôi nhưng nếu trau chuốt hơn thì sẽ tốt hơn: chứ ai lại SV ngành Quản trị du lịch lữ hành mà lại bảo là đi Cần Giờ xa xôi hẻo lánh? bộ trường Muối học cắt mất môn tuyến điểm du lịch rồi hả? đường từ Sài Gòn xuống Cần Giờ đẹp mượt mà cả hơn chục năm nay rồi, thẳng tắp phóng xe vù vù hơn 1 tiếng là tới mà kiu xa xôi???
Ai biểu lấy cái ngành mình đang dạy vô phim nên chỗ này hơi bịnh nghề nghiệp xíu.
…
Nói túm lại với mình là phim có ý nghĩa, bối cảnh thuần Việt, giới thiệu được nét đẹp về nghề truyền thống trong văn hoá Việt, nét đẹp về tình cảm con người Việt, thông điệp nhân văn chỉ là cách dựng các tình tiết còn đơn điệu và kịch tính kiểu sân khấu quá chưa mang tính điện ảnh với tình tiết thuyết phục cho lắm. Nhìn chung cá nhân mình vẫn cho đây là một bộ phim chỉn chu để gia đình cùng nhau đi coi gắn kết tình thân.
Cảm ơn ai đó kiên nhẫn đọc đến đây nhé, bạn xứng đáng được nhận … bịch muối mặn mà ^^
Hình minh hoạ: Internet
P/s: Ah nếu chú Vũ Thành Vinh có ý định làm phim tiếp mình xin phép được kể câu chuyện cá nhân để chú viết kịch bản, bao lâm ly thăng trầm mang tính logic nhiều chút chút hơn mạch phim Hai Muối ahihi.