“Để lớn lên lành mạnh trẻ cần nhiều hơn là sữa và cơm” – Ms Frida
Hôm nay, nằm trong thời điểm những ngày đầu tháng 9 cũng là đầu năm học 2024 – 2025 những đứa trẻ bình thường đang ở trường học hành và ngày mai sẽ là khai giảng chính thức của các em bước vào năm học mới, cũng là mở ra một tương lai tương sáng với con chữ trên vai.
Điều bình thường như trên nhưng hông phải trẻ nào cũng có được. Song song với thông tin về ngày khai trường cũng là thông tin về 1 mái ấm tên HH bị phanh phui vì hàng loạt hành vi b.ạo h.ành trẻ nhỏ, đặc biệt có những bé sơ sinh còn đỏ hỏn. Đọc lướt nhanh qua nội dung bài báo (mình không dám đọc quá kỹ vì sợ và xót) thấy các bé thật bất hạnh, 1 lần bị bỏ rơi đã là thiệt thòi lắm rồi thêm khoảng thời gian “địa ngục trần gian” tại mái ấm như chẳng hề ấm này nữa.. công an đã vào cuộc, gần 100 em đã được chuyển qua chỗ mới. Liệu các em có được một mái nhà ấm êm hơn không? vết thương thể lý có thể lành lại theo thời gian, còn vết thương tâm lý những sự kiện kinh hoàng khắc sâu vào vô thức trẻ thơ thì liệu các em có được chữa lành?
….
Sự băn khoăn này càng được tô đậm thêm khi tối qua trước khi ngủ mình vừa đọc xong chương 5 của quyển sách – ĐỨA TRẺ ĐƯỢC NUÔI TRON CHUỒNG CHÓ – The boy who was raised as a dog, tác giả TS BS Bruce D. Perry và Maia Szalavitz
Chương 5 với tựa TRÁI TIM VÔ CẢM
Nội dung kể về việc BS Tâm Thần Bruce D.Perry này được mời đến một trại giam để kiểm tra giám định tình trạng sức khoẻ tâm thần của một phạm nhân nam – Leon, bị can đã phạm tội g.iết 2 trẻ gái vị thành niên khi cậu ta 16 tuổi và h.ãm h.iếp 2 thi thể nạn nhân.
Chỗ này mở ngoặc 1 chút, bên Mỹ theo như lời cô giáo mình từng học tâm lý có kể là các vụ án nghiêm trọng thì toà án thường mời bác sỹ tâm thần đến để giám định tình trạng của bị can để tìm ra các yếu tố khách quan tác động đến việc phạm tội, ví dụ: bị can phạm tội trong một trạng thái căng thẳng tâm lý thì cũng là một yếu tố giảm nhẹ. Không phải chỉ là giám định xem người đó có k.hùng đ.iên gì không. Nói chung mình thấy đây là một hành vi rất nhân văn, cho thấy sự minh bạch công tâm trong xét xử.
Khi vào tới nhà tù, BS gặp thái độ hết sức cao ngạo, khinh khỉnh và không chút ăn năn của bị can. Bị can đã tìm cách thao túng ông như cách cậu ta đã thao túng luật sư của cậu ta để biện minh cho hành động ác độc của cậu. BS đã dùng sự trung dung trong giao tiếp, không phán xét để tìm hiểu điều gì đã hình thành nên một nhân cách vô cảm như thế. Càng nói chuyện ông càng phát hiện ra người ngồi trước mặt ông không có cảm xúc, không có cảm nhận được vui buồn hay đau đớn.
Và con người thì đương nhiên không thể tách rời khỏi bối cảnh sống môi trường được sinh ra và lớn lên. Khi tiếp xúc với gia đình bị can Leon, BS rõ ràng hơn về xuất thân của Leon: con út trong một gia đình bình dân, có anh trai phát triển bình thường, bố mẹ làm lao động tay chân và cả nhà không ai có t.iền án t.iền sự hay làm gì đó sai trái, ngược lại họ cư xử rất đúng mực như bao gia đình bình thường khác.
Tìm hiểu sâu ngược lại về quá khứ thơ ấu của Leon, BS được biết mẹ Leon thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ, khi sanh con đầu (anh trai Leon) cả gia đình đã xúm lại giúp cô chăm sóc đứa trẻ nên việc nuôi dạy trẻ đầu khá thuận lợi. Nhưng đến khi sanh Leon vì biến cố kinh tế gia đình cô phải chuyển sang 1 khu ổ chuột sinh sống và không còn có gia đình họ hàng bên cạnh. Leon được sinh ra với một người mẹ đầy lo âu, thiếu kỹ năng, 1 người anh trai 4 tuổi vẫn cần được chăm sóc. Cha Leon đi làm xa đến tối mịt mới về nhà. Leo khó nuôi và hay quấy khóc, người mẹ thì không có kinh nghiệm và không chịu đựng được cảnh khóc lóc mè nheo này. Khi Leon đầy tháng, sự quấy khóc vẫn kéo dài, không biết xử trí thế nào, và mọi việc có lẽ cũng quá sự chịu đựng của người mẹ trẻ thiếu kỹ năng cùng thiếu sự trợ giúp, chị ta chỉ cho Leon ăn no vào buổi sáng sau đó dẫn con trai lớn ra ngoài dạo chơi đến chiều mới về nhà, bỏ bê đứa con nhỏ Leon gào khóc cả ngày trong căn nhà nhỏ tối mịt, một mình, cô độc. Tình trạng này diễn ra đến tận khi Leon 2,5 tuổi mọi thứ mới vào nhịp bình thường khi mẹ và anh trai không bỏ đi nữa.
Chính khoảng thời gian bị bỏ bê dài trong cô độc và tuyệt vọng cũng là một dạng b.ạo h.ành, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến não trẻ nhỏ. Tác giả đã viết “Leon đã phải trải qua những năm tháng đầu đời cực kỳ thất thường và vượt quá sự chịu đựng của một đứa trẻ, có lúc mẹ cậu để tâm đến cậu, có lúc bà bỏ bê cậu một mình ở nhà cả ngày”. Bố cậu có chơi với cậu vào buổi tối nhưng không thường xuyên vì ông đã bị vắt kiệt sức lao động vì mưu sinh. Tác giả viết tiếp “Một môi trường tồi tệ với đỉnh điểm là sự bỏ mặc hoàn toàn. Bộ não trẻ cần những kích thích theo khuôn mẫu và lặp đi lặp lại để có thể phát triển tốt nhất. Khi cảm giác sợ hãi, cô đơn, khó chịu và cơn đói được xoa dịu một cách ngẫu nhiên và không thường xuyên thì hệ thống phản ứng với căng thẳng của đứa trẻ luôn trong tình trạng báo động cao độ….”
Cậu bé lớn lên và mất khả năng bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài… cộng với môi trường sống bất lợi, xung quanh là những người nghiện, trẻ con của những gia đình đói kém… những vấn đề bắt đầu nảy sinh từ thời mẫu giáo tới suốt các cấp học lớn hơn nhưng không được giải quyết triệt để.. và như hiệu ứng quả cầu tuyết: bắt nguồn từ sự bất lợi từ khi được sinh ra đến môi trường lớn lên, sự thiếu thốn tình cảm, … từng bước từng bước cộng hưởng rất nhiều yếu tố.. đến khi này, ngồi trước mặt BS D.Perry là một sát thủ máu lạnh vô cảm.
Đến khi ra toà, điều BS có thể trình bày trước toà là “ông xác thực quá trình phát triển trí não của cậu đã xảy ra vấn đề bởi những gì cậu gặp trong những năm tháng đầu đời. ông cũng xác nhận chẩn đoán rối loạn giảm chú ý và rối loạn cư xử, những tình tiết giảm nhẹ – dù chúng không thể miễn trừ trách nhiệm cho các hành vi Leon đã gây ra”
Trong đoạn kết của chương 5 là cuộc hội thoại đầy cảm xúc của mẹ nạn nhân và BS
“Ông là BS hãy nói cho tôi biết vì sao hắn lại g.iết con tôi? Ông biết mà”
“Thật tình tôi cũng không biết chắc thưa bà… trái tim cậu ta hoàn toàn vô cảm, có thứ gì đó trong cậu ta đã hỏng hoàn toàn. Cậu ta không có khả năng yêu thương…”
“Phải. Hắn nhất định bị hỏng thứ gì từ bên trong mới có thể ra tay g.iết đứa trẻ đáng yêu như vậy…”
….
Điều đọng lại nơi bạn khi đọc đến đây là gì?
Với mình đó là sự băn khoăn lo âu về tương lai của những đứa trẻ bị b.ạo hành, bỏ bê đặc biệt trong giai đoạn sơ sinh khi mà não của trẻ rất non nớt, những sang chấn nặng nề sẽ ở lại trong đó và để lại di chứng rất lâu rất lâu.
Tất nhiên không phải trẻ nào bị b.ạo hành cũng trở thành kẻ ác, tuy nhiên để một con người sống hạnh phúc bình an, trẻ cần được nhiều hơn là sữa và cơm.
Mong cho những đứa trẻ trong mái ấm HH kia sẽ có những ngày tháng tiếp theo yên bình và được yêu thương thật sự.
Khi làm thiện nguyện chúng ta cũng cần phân định tìm hiểu kỹ để tránh tiếp tay cho hành vi xấu.
————–
Thông tin được để cập trong bài
1. Vụ việc b.ạo h.ành trẻ tại mái ấm HH – Báo Thanh Niên
2. Sách Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó, tác giả D. Perry.
Hình minh hoạ: Pinterest