“Không ai có thể hiểu rõ và chịu trách nhiệm cho cuộc đời mỗi người bằng chính bản thân”. Mình đã từng nói chuyện với rất nhiều người, từng lắng nghe nhiều cuộc đối thoại, và mình nhận ra: xu hướng cho lời khuyên, xu hướng vạch ra 1 phương án rồi bảo rằng đối phương hãy làm đi vì “tôi thấy nó đúng, nó tốt mà”… nhiều người ngày này rất dễ mắc phải. Lắng nghe để thấu hiểu thì ít người làm được, nhưng nghe rồi để ngay sau đó đưa ra phương án chủ quan một chiều và nghĩ rằng nó toàn diện thì nhiều người vẫn đang làm. Vậy chúng ta có nên cho lời khuyên hay vạch phương án sẵn và hướng người khác theo mình không? bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời?
“Sao không đẻ con đi, già vậy rồi đợi đến khi nào?
“Học ngành này nè dễ kiếm việc làm lắm nè”
“Bỏ nó đi, con đó có ra gì đâu?
“Sao bạn không… abcxyz”
1. Mỗi người có một lịch sử khác nhau
Ngẫm lại một chút, mỗi người được sinh ra từ những ông bố bà mẹ khác nhau. Và ngay cả cùng chung bố mẹ, thì thời điểm sinh khác nhau. Khoa học tâm lý đã chứng minh rằng những trải nghiệm thời kỳ mang thai tác động rất lớn đến não trạng của trẻ thơ. Thậm chí, có những lý do khách quan hay cả chủ quan dẫn đến những tổn thương cho đứa trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Ví dụ: những biến chứng khi mang thai (nhau thai quấn cổ, bé thiếu nước ối, động thai…; Tâm trạng bất ổn của thai phụ, môi trường gia đình, công việc, cuộc sống thai phụ trải qua….
2. Mỗi người có sự kết nối với người nuôi dưỡng đầu đời khác nhau
Theo học thuyết Phân tâm học – một học thuyết tâm lý ngày nay vẫn còn rất nhiều ảnh hưởng trong việc lý giải tính cách và ứng dụng vào trong trị liệu dành cho các đối tượng có tâm bệnh, các nhà khoa học tâm lý đã chỉ ra tầm quan trọng của người nuôi dưỡng trong những năm tháng đầu đời (như cha mẹ, ông bà hay một đối tượng nào đó trực tiếp nuôi dưỡng trẻ) ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của trẻ. Những trải nghiệm đầu đời, trẻ con từ 0 – 2 tuổi dường như tiếp nhận một cách thụ động, chỉ lấy bản thân làm trung tâm để l1y giải mọi sự việc xảy đến với chúng.
Một đứa trẻ bị bạo hành, bị bỏ rơi, sống thiếu tình thương và sự chăm sóc đủ trong giai đoạn 0-2 tuổi, trẻ hoàn toàn không đủ tư duy để lý giải những điều nó nhận không phải lỗi do nó, mà do bên ngoài. Giai đoạn này, đứa trẻ hoàn toàn lý giải từ góc độ chính nó là nguyên nhân gây ra mọi thứ. Từ đó hình thành nên cái nhìn về mình, về người và về thế giới xung quanh lớn lên méo mó. Biểu hiện của một đứa trẻ từng thiếu thốn tình thường là sự thiếu tự tin về bản thân, sự hoài nghi về tính tích cực của thế giới. Hay nặng hơn là những sự bất ổn trong tâm lý biểu hiện ở hành vi nhiều mức độ khác nhau.
3. Mỗi người có một trải nghiệm quá khứ không ai giống ai
Trải qua giai đoạn ấu thơ đầu đời, mỗi người vẫn tiếp tục phát triển theo những hướng rất khác biệt nhau. Hưởng sự giáo dục từ gia đình, nền văn hóa, trải nghiệm trong các mối tương quan bè bạn, công việc, … khác nhau. Nhận thức về thế giới và niềm tin cốt lõi được định hình theo những hướng không ai giống ai. Có thể bạn A có trải nghiệm quá khứ màu hồng nhiều hơn bạn B dẫn tới góc nhìn bạn A đâu đó có thể tích cực tràn trề hy vọng hơn bạn B khi cuộc sông lớn lên toàn màu u buồn..v..v..
Từ yếu tố 1, 2, 3 ta thấy: Ngay cả trẻ em được sinh ra cùng một lúc như những ca mang nhiều thai nhi, thì trải nghiệm của từng đứa trẻ cũng khác nhau ít nhiều. Vì thế cho thấy, chúng ta đã khác nhau ngay từ khi đặt chân đến cuộc đời này. Lời khuyên sẽ như chiếc áo, có chiếc áo nào chung vừa cho tất cả số phận?
4. Ta không thể chịu thay trách nhiệm cho cuộc đời bất kỳ ai ngoài chính mình
Yếu tố thứ 4 mình muốn nói ở đây là từ khóa TRÁCH NHIỆM. Nhiều người trong chúng ta thường muốn người khác hành động theo ý mình. Làm y hệt như mình kỳ vọng thì mình hài lòng, còn làm không giống thì mình sẽ cảm thấy phật ý hay nặng hơn là những hành vi tiêu cực kèm theo để thể hiện “cái uy” với đối phương như: giận hờn, trách móc, lên án, dèm pha… nặng nhất là ngắt kết nối giao tiếp – bạo hành tâm lý – chiến tranh lạnh. Và có một sự thật hơi bất logic một chút chỗ này: chúng ta dễ cho lời khuyên, dễ đề ra giải pháp, thúc đẩy người khác hành động nhưng khi hệ quả đi theo một hướng bất lợi, chúng ta thường đổ lỗi hoàn toàn và rút mình về phía không liên quan gì. Liệu có công bằng khi ta thích NẮM QUYỀN KIỂM SOÁT , THÍCH RA QUYẾT ĐỊNH nhưng KHÔNG MUỐN CHỊU TRÁCH NHIỆM.
Chúng ta thường được biết quyền lực phải đi kèm với trách nhiệm. Cuộc sống từng người không ai có thể chịu trách nhiệm thay được, vậy nên việc ra quyết định hay chọn lựa lối sống, hãy để cho chính thân chủ có quyền cao nhất.
5. BẠN CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI LUÔN THÍCH SỰ KIỂM SOÁT
Một yếu tố cũng đáng để tâm tiếp theo, hãy nhìn lại cuộc sống chính bạn. Nếu trong mọi trường hợp, bạn luôn muốn là người đưa ra quyết định, thích nắm quyền kiểm soát và cảm thấy khó chịu khi người khác làm không theo ý bạn, dù chỉ là chi tiết nhỏ.
Bạn luôn thích tỏ ra mình là kẻ cả, bạn luôn nỗ lực ngày đêm vất vả để có thể vươn lên cao và lãnh đạo, để tiếng nói của bạn được mọi người sợ.
Đó có thể là dấu hiệu của tâm bệnh, khi chính bạn chưa nhìn ra những bất ổn trong tâm trí, đâu có có thể xuất phát vì sự thiếu tình thương thơ ấu và nỗi sợ về sự bỏ rơi nên lớn lên khiến bạn luôn muốn nắm quyền kiểm soát để cảm thấy an toàn.
Một người phát triển bình ổn, ít tổn thương lớn, thường có xu hướng dám bảo vệ quan điểm cá nhân nhưng cũng sẵn lòng tôn trọng góc nhìn của người khác.
,,,,
Lời khuyên, gợi ý, chia sẻ định hướng là rất cần thiết nhưng nó phải được nói ra một cách rất cẩn trọng. Trước khi cho ai đó lời khuyên hay giải pháp bạn hãy chậm lại và trả lời các câu hỏi sau:
1/ Bạn có thật sự hiểu về họ chưa? (bối cảnh họ sống và lớn lên ít nhiều trong quá khứ, cuộc sống của họ ở hiện tại: thể chất – tinh thần – các mối quan hệ của họ đang thế nào?)
2/ Họ có thật sự muốn/cần bạn cho lời khuyên, giải pháp? Câu hỏi này theo mình tốt nhất là hãy nhận những tín hiệu từ họ rồi hãy đưa ra.
3/ Lời khuyên, giải pháp bạn đưa ra thật sự vì thân chủ hay có ít nhiều lợi ích gì bạn nhận được trực tiếp hay gián tiếp từ việc thúc đẩy hành vi họ làm theo ý bạn?
4/ Trong trường hợp mọi thứ diễn ra không như ý, bạn có đủ lực (thể chất – tinh thần – tài chính) đồng hành cùng họ, hỗ trợ họ tìm giải pháp tốt để giải quyết? – không nhất thiết đủ các 3 yếu tố nhưng ít ra bạn phải có khả năng nâng đỡ
Từ bài phân tích trên, Trang hy vọng anh chị em mình hiểu hơn phần nào tầm quan trọng của việc cho lời khuyên – đó là một phần trong kỹ năng gây ảnh hưởng lên người khác. Nhiều người thường rất tùy tiện hành động, đơn giản họ nghĩ hậu quả có ra sao họ cũng không phải người gánh.. nếu nghĩ đủ sâu và đủ rộng, là người có trách nhiệm, chúng ta sẽ cẩn trọng hơn rất nhiều trong hành vi của mình.
Sự đồng hành quan trọng hơn rất nhiều so với việc thể hiện tính kiểm soát và khả năng lãnh đạo trong khi bạn thực sự chưa đủ năng lực đó.
2 Trả lời “4 LÝ DO BẠN NÊN CẨN TRỌNG KHI ĐƯA RA LỜI KHUYÊN”
Em chào cô Trang!
Cô kính mến, em cám ơn Cô Trang bài chia sẻ rất thâm thúy, có chiều sâu nội tâm rất sâu sắc trong tâm lý từ nơi hình thành trong bụng mẹ đến cuộc sống. Mỗi người là một lâu đài nội tâm cần khám phá từ từ trong cuộc sống.
Bài chia sẻ của cô giúp em rất nhiều trong các mối tương quan và cùng giúp nhau cùng sống tốt.
Kính chúc cô luôn mạnh khỏe, tràn đầy niềm say mê trong sứ mạng cùng các ơn cần thiết của Chúa Thánh Thần.
Cầu chúc cô và gia đình luôn hạnh phúc và mạnh khỏe
Cảm ơn bạn Lành nhiều nhé 🙂