Chúng ta thường có xu hướng thích an ủi khích lệ người khác, việc chứng kiến một ai đó đang trong trạng thái cảm xúc tiêu cực thường chạm tới lòng nhân của mỗi người. Tuy nhiên, lòng tốt nếu không đi kèm sự hiểu biết đôi khi sẽ làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn. Sau đây là 8 điều bạn không nên nói ra với những người đang buồn.
“Bạn không phải là họ nên bạn sẽ không biết họ đã phải trải qua những gì. Đừng đánh giá một ai, kể cả nỗi buồn của họ cũng đáng để tôn trọng” – MS Frida
1. “Mọi việc không tệ như bạn nghĩ đâu. Đầy việc ngoài kia còn kinh khủng hơn”
Câu nói này cho thấy bạn đang đánh giá thấp vấn đề của người kia. Khi một ai đó đang có vấn đề bận tâm thì họ cũng không có nhu cầu nghe về những chuyện tệ hơn của người khác. Cách lấy nỗi buồn của người khác để động viên một người khác nữa thì không phải là cách hay. Mỗi người có những nỗi buồn và sức chịu đựng khác nhau. Chúng ta hãy chỉ nên lắng nghe và ghi nhận.
2. “Hãy dừng suy nghĩ vớ vẩn của bạn lại đi, quên việc đó đi”
Khi nghe bạn nói điều này, đối phương sẽ cảm thấy bản thân họ không được bạn coi trọng. Họ sẽ cho rằng nỗi buồn của họ đang làm phiền bạn. Việc bạn đang trò chuyện an ủi họ cũng chỉ là xã giao cho qua chuyện thôi, thật tâm bạn không chú ý đến họ.
3. “Mình chả thấy vấn đề của bạn có gì đáng buồn cả”
Đến đây chúng ta một lần nữa nhấn mạnh với nhau về sự khác biệt về hoàn cảnh sống, môi trường lớn lên, sự thụ hưởng từ nền giáo dục.. từ đó ảnh hưởng lên sức chịu đựng của từng người trước cùng một hoàn cảnh sống cũng rất khác nhau.
Vì thế, đừng lấy thang đo cá nhân để đo lường và đánh giá người khác.
4. “Có ai bắt bạn phải như vậy đâu? Bạn toàn tự làm khổ bản thân”
Mọi cảm xúc đều có ý nghĩa của nó, giúp truyền thông điệp lên cá nhân và xung quanh giúp điều chỉnh hành vi của cá nhân và những người liên quan. Vì thế, chúng ta không thể áp đặt hoặc phớt lờ cảm xúc của bất kỳ ai. Phớt lờ cảm xúc đồng nghĩa với việc bạn bỏ qua những thông điệp quan trọng cơ thể phát ra.
5. “Bạn quá nhạy cảm, yếu đuối rồi đó”
Câu nói này thật khiếm nhã. Người nghe sẽ có cảm giác bị chỉ trích và lên án thậm tệ chỉ vì họ đang buồn. Như vậy thật bất công cho đối phương. Chúng ta đang đóng vai người đồng hành san sẻ hay vào vai thẩm phán để đưa ra bản án cho người thương của mình?
6. “Đừng làm quá mọi thứ lên, dừng lại đi nào”
Câu nói này sẽ chạm vào lòng tự tôn của bất kỳ ai, làm cho họ bị tổn thương sâu hơn và khả năng bùng nổ cảm xúc rất cao. Và nếu cảm xúc bị bùng nổ cách bất ngờ vượt qua khỏi tầm kiểm soát sẽ mang lại những hệ quả rất nguy hiểm.
7. “Bạn phải cảm thấy biết ơn vì …”
Yêu cầu ai đó nghĩ tích cực lên không phải điều sai, tuy vậy ngay khi người đó đang buồn bạn lại yêu cầu họ ngay lập tức rẽ suy nghĩ sang một hướng khác không khác nào việc tránh né sự thật. Đừng bắt ai đó phải biết ơn điều đã gây ra tổn thương cho họ. Điều này làm cho người nghe sẽ bị định hướng sai về hành vi và không tìm được nguyên nhân cốt lõi của sự việc, nó có thể khiến cho nỗi buồn và câu chuyện cũ xảy ra nhiều lần sau nữa.
8. “Không được buồn nữa, vui lên nào”
Chúng ta hãy nhớ lại đặc điểm của cảm xúc, một trong những lưu ý quan trọng trong đó: “Không thể nào thay đổi tâm trạng cảm xúc một người ngay tức khắc”, không thể làm một người đang buồn thành một người vui tươi hân hoan được. Bạn hãy kiên nhẫn cùng họ tìm ra nguyên nhân, ghi nhận thực tế cảm xúc đang diễn ra và cho nó thời gian để lắng xuống.
Trên đây là 8 điều bạn không nói ra với người đang buồn sẽ giúp họ rất nhiều. Chìa khoá cho việc an ủi một ai đó đang buồn chính là: sự lắng nghe thấu cảm, ghi nhận nỗi buồn, và cho họ cơ hội giải toả/trải lòng bằng những phương cách an toàn nhất.
Hãy trở thành một người tốt khôn ngoan nhé!
👉 Ngoài ra, ACE có thể kết nối với Trang tại:
💌Youtube: Lê Mỹ Trang
💌 Facebook: Lê Mỹ Trang
💌 Tiktok: Lê Mỹ Trang
💌 Group FACEBOOK đồng hành cùng nhau chia sẻ về kiến thức tâm lý, giao tiếp, pp giáo dục tich cực: Hiểu Mình Hiểu Người Sống An Vui
💌 Nhóm Zalo nội bộ của cộng đồng Hiểu Mình Hiểu Người: TẠI ĐÂY
💌 Email: lemytrang89@gmail.com
2 Trả lời “8 ĐIỀU KHÔNG NÊN NÓI VỚI NGƯỜI ĐANG BUỒN, BẠN ĐÃ BIẾT CHƯA?”
Chị cảm ơn cô Trang về bài chia sẻ này, khá hay và chị nghĩ chắc cũng sẽ có nhiều bạn rất quan tâm, bên cạnh đó chị cũng muốn biết thêm là đối với người đang buồn thì mình nên làm gì để giúp họ vượt qua? Ngồi nghe không thôi đôi khi cũng khiến họ chán nản vì khi ko nói gì cả thì họ lại “thà nói chuyện với đầu gối còn hơn”.
Chào chị (mà hông biết chị tên gì), đầu tiên cảm ơn chị đã dành thời gian đọc hết bài viết ạ. Đối với từng người từng hoàn cảnh khác nhau, chúng ta sẽ có những cách ứng xử khác nhau. Thật khó để có 1 câu trả lời chung bao quát cho tất cả tình huống. Tuy nhiên, trong việc đồng hành với ai đó, đặc biệt những người đang có chuyện đau buồn thì việc hiện diện và lắng nghe rất quan trọng ạ. Lắng nghe sẽ khác nghe rất nhiều. Ở đây thì không diễn giải hết được. Nhưng nôm na là không phải chỉ ngồi im lắng đơ ra đâu ạ. Mà còn có sự tương tác trong thinh không, biểu thị qua tư thế, khoảng cách, ánh nhìn, động tác giao tiếp phi ngôn ngữ. Nghe xong thì mình còn phải biết hỏi lại, gợi mở đúc kết, phản hồi…. sau đó nếu có thể thì còn là phần kỹ năng nâng đỡ định hướng nữa… khá dài ạ. Nhưng lắng nghe tốt đã chiếm tới 80% rồi. Em có áp ủng xây dựng chuỗi bài lắng nghe này dài cũng 15-30 video lận. Hy vọng sắp tới chị ghé kênh Youtube để tham khảo nhé. Ngoài ra trên đó cũng có sẵn vài video chuyên đề lăng nghe thấu cảm chị có thể tham khảo trước.