Qua học xong rủ chồng đi coi suất chiếu khuya của Lật Mặt 7 ở Lotte Bình Dương, thấy cũng hơi bất ngờ khi đặt vé vì bình thường mình đặt suất khuya thì rạp ở đây chỉ có tầm 4-5 người, có khi có 2 vợ chồng mình, mà qua thì thấy rạp cũng được 30 40 người đã đặt. Đó là sức hút của truyền thông và uy tín thương hiệu của anh Lý Hải chăng?
VỀ MẶT ĐOÀN PHIM ĐÃ LÀM TỐT
1. Chọn diễn viên rất chuẩn
Mình thấy khá nhiều gương mặt quen thuộc trong phim, nhưng không tạo cảm giác lẫn lộn với các vai ở phim cũ. Hầu hết các diễn viên đều tròn vai. Mình có ấn tượng với 3 diễn viên đóng vai gia đình làng chài. Cảnh người chồng trở về sau trận bão là yếu tố duy nhất trong phim làm mình.. có chút xúc động, một cái chạm nhẹ vào cảm xúc rưng rưng ở sự ly biệt và đoàn tụ.
2. Bối cảnh – phục trang
Theo tinh thần truyền thống từ các tập trước yếu tố hậu kỳ, dựng cảnh được đoàn làm phim chăm chút khá kỹ lưỡng, đa phần đều tạo cảm giác thật cho người xem, hiếm có chỗ nào phị phô vênh.
Phần hoá trang cho nhân vật cũng rất ổn, tuyến nhân vật vùng miền nào ra vùng miền đó. Từ làn da trắng trẻo của gia đình trung lưu miền Bắc, tới làn da rám nắng và bộ vòng ximen đeo kín tay của người làng chài. Cái chất của từng nhân vật thể hiện mồn một qua việc tạo hình.
3. Cách đặt vấn đề và mở rộng bối cảnh rất tốt
Chỗ này phải khen ý tưởng của phim khi xây dựng được trên 1 bối cảnh cũ về tình mẹ con, anh em thông thường nhưng đã mở rộng bối cảnh ra khắp các miền trải rộng VN. Nhờ ý tưởng xuyên Việt này mở ra cho phim nhiều chỗ để khai thác chiếm lấy tình cảm của người coi. Bắc Trung Nam đủ cả nên ai coi phim cũng thấy mình ở trỏng, thấy nếp sinh hoạt, thấy văn hoá, thấy lời ăn tiếng nói của mình. Cái thành công của một tác phẩm văn học theo mình không phải phô diễn tác giả giỏi thế nào mà phải làm cho người coi thấy được có họ ở trong tác phẩm. Chỗ này thì đoàn phim làm tốt. Ý tưởng này nếu triển khai rộng có thể thành một bộ phim truyền hình dài cả 100 tập á chứ.
Mình nhớ hồi xưa cứ tầm trưa chiều chiều là nhà nhà ở VN bật ti vi coi phim bộ dài tập tình cảm gia đình của Hàn và Đài Loan. VN mình mở rộng kịch bản này ra nếu tốt, câu chuyện kéo dài được rất nhiều mà không lê thê nè.
4. Nhạc phim hay
Mặc dù mình không bị xúc động nhiều bởi mạch phim nhưng mấy chỗ có nhạc lên cũng làm mình lắng đọng xíu. Có lẽ xuất phát cũng là ca sỹ nên anh Lý Hải cảm được để kết nối phù hợp giữa điện ảnh và âm nhạc.
5. Truyền thông tốt
Cái này phải khen gia đình Lý Hải Minh Hà, các bé và ekip, mình quan sát ngoài việc tạo ra một bộ phim chỉn chu thì đoàn rất chú ý đến truyền thông. Mỗi lần ra mắt phim thì cả nhà đều đi giao lưu liên tục, ekip tạo ra những câu chuyện đẩy truyền thông phim lên. Cách truyền thông của đoàn phim làm mình cảm thấy thú vị có gì đó mang tính nhân văn hơn là việc tạo tiếng vang bằng mọi cách. Có lẽ truyền thông chỉ làm tốt phần quảng bá rộng, còn chiều sâu của đời sống gia đình anh Lý Hải thì xưa giờ vẫn nổi tiếng về sự kết nối tình thân giữa các thế hệ, ngay cả gia đình nhỏ với 4 nhóc tỳ của anh ấy cũng đã quá nổi.
VỀ MẶT ĐOÀN PHIM LÀM MÌNH HƠI THẤT VỌNG
Ah trước khi tạm gọi là đưa ý kiến chưa theo số đông (không dám dùng từ chê, vì chê là hành động mang nghĩa hơi không xây dựng lắm, còn ý mình là xây dựng) thì cần nhấn mạnh đây là ý kiến cá nhân mình thôi.
1. Thoại của nhân vật người mẹ hơi lạc quẻ so với mạch phim
Nội dung phim nói về tình mẫu từ gắn bó nơi vùng quê từ bé cùng nhau lớn lên. Bà mẹ trong câu chuyện được xây dựng là một bà mẹ nghèo lao động chân tay vất vả, mình không thấy đề cập đến chi tiết học hành văn vẻ hay tầng lớp quý tộc gì. Nhưng không biết vì sao thoại của người mẹ mỗi lần cất lên làm mình cảm giác bà giống như… mẹ kế, chứ hông phải mẹ ruột.
“Mẹ cảm ơn con
mẹ xin lỗi con
con tha lỗi cho mẹ
mẹ không có ý
mẹ chỉ có ước muốn
…”
Rồi lại
“Mẹ xin lỗi con
mẹ cảm ơn con”
…
Nói thiệt là diễn viên thể hiện cảm xúc rất đạt nhưng thoạt nó cứ kiểu sai sai sao á. Mẹ con ruột với nhau mà sau khách sáo dữ trời. Vẫn biết để hy sinh cho các con, người mẹ sẽ có sự dồn nén nhất định về mặt nhu cầu và cảm xúc cá nhân, nhưng cái kiểu khách sáo này có gì đó nó hông hợp. Mình cứ có cảm giác tạo ra một bức tường vô hình ngăn cách bà và các con.
Mẹ quê có thể là la là mắng, những câu nạt nộ gạt đi nhu cầu bản thân… cái mình cần là độ thật hơn.
2. Mình không cảm nhận được tình thân trong gia đình này
Mặc dù bối cảnh của đoàn phim dựng lên là một gia đình nghèo khó cùng nhau lớn lên, anh em yêu thương nhau. Nhưng có phải vì cách của người mẹ quá khách sáo, như khách trong nhà nên tính cách các con bà lớn lên cũng không kết nối được với nhau, khá rời rạc và có phần gì đó ở việc yêu thương bằng môi miệng thôi.
Mình không thấy sự tương trợ giữa các thành viên trong gia đình trong việc chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Dẫu biết lớn lên “danh ai phận nấy”, ai cũng có vấn đề riêng phải lo. Nhưng ngoài gia đình nhỏ, thì cũng nên có chi tiết thể hiện sự kết nối qua lại giữa các thành viên chứ nhỉ? mình xem chuyến tour xuyên Việt của bà mẹ qua từng gia đình và mình cảm thấy anh em họ rất rời rạc, khi gặp vấn đề họ đều tự quay quắt trong vấn đề riêng không hề có sự nâng đỡ của tình thân, người mẹ thì lại được xây dựng quá kịch tính có khả năng giải cứu thế giới, kiểu thần thông có 72 phép.
Ah còn cảnh cuối phim cho thấy sự gượng gạo trong tình thân này ở đoạn bác cả hỏi thăm bé con của em ba
“Chào cháu cháu khoẻ không”
“Dạ cháu khoẻ nhiều rồi ạ?”
Chu cha mạ ơi, hỏi thăm cháu mà mắt không nhìn cháu luôn,
không có 1 sự tương tác nào ngoài 1 lời nói kiểu xã giao rồi lướt qua nhau kiểu:
“How are you” “I”m fine, thank you, and you?”
Chi tiết này kích hoạt 1 lát cắt trong quá khứ của mình khi trong đám tang mẹ mình có một người thân khi họ vừa tới đám tang, thì câu đầu tiên không phải thăm hỏi hay an ủi mình mà họ nói là
“Ủa bạn bè của.. tới từ sáng giờ, sao con không nói là … ở đây từ sáng giờ”
Ý họ nói là sao mình không nói với bạn bè họ là họ đã có mặt ở đây từ sớm, để cho bạn bè họ thấy sự “tốt lành” của họ
À vâng, thân quá chừng luôn!
3. Kịch bản nhiều điều chưa hợp logic bình thường
Vấn đề của đoàn phim đưa ra rất kịch tính, rất đúng đời thực, nhưng cách xử lý thì kiểu giựt gân và miễn cưỡng quá. Với một đứa từng chứng kiến bạo hành gia đình nhiều năm, từng va vấp thăng trầm nhiều mình thấy nó vô lý ở cách xử lý.
~ Vấn đề của gia đình anh cả: sự hung hăng của cô gái út là kết quả của việc bạo hành tinh thần từ sự chuyển di cảm xúc của bố mẹ suốt hàng chục năm trời. Góc nhìn tâm lý mình học thì điều này để lại một vết thương sâu, không thể hoá giải chỉ bằng 1 buổi nói chuyện căng thẳng, rồi bà nội dịu dàng xin lỗi vài câu cái là gia đình mọi người đều được “chữa lành”. Ồ mọi thứ đơn giản vậy, chắc khoa tâm lý lâm sàng đóng cửa luôn, tâm lý gia chuyển nghề ngay. Bà nội không sống với gia đình làm sao có được sợi dây kết nối làm sao lời nói có uy tín với tuổi teen dữ vậy?
Mình nhớ có 1 cô bé cũng ở trong tình huống tương tự, cô bé đó sống trong bạo hành gia đình 15 năm và từng ôm mối hận sâu sắc với người nhà, cô bé lớn lên đi làm và nỗ lực thoát ra được bối cảnh độc hại đó, nhớ là thoát ra rồi nha, rồi sau đó cô tìm tới nhà trị liệu tham gia trị liệu tâm lý 1 thời gian dài.. nhận ra vấn đề.. thời gian hoà giải với bản thân với gia đình.. đó là một hành trình rất dài.
~ Vấn đề của trai thứ: làm nghề đi biển ra biển mà không có áo phao vẫn đi? rồi mẹ già đưa tiền cho cháu nội mua phao?
ủa z là mê biển dữ chưa? mấy nguyên tắc an toàn cơ bản người không phải dân chài chuyên nghiệp còn biết mà. Mình nhớ mỗi đợt dẫn SV đi kiến tập thực tế mà đi xuống thuyền to hay xuồng ba lá gì đấy là đều phải kiểm tra áo phao đủ mới cho xuất phát.. huống hồ chi là biển cả mênh mông. Chỗ này nếu đạo diễn tìm hiểu sâu hơn để xây 1 tình huống khác thực tế hơn thì có thể thuyết phục hơn.
~ Vấn đề với gia đình con trai tiếp theo: làm thầu sao còn nghèo hơn người làm thợ hồ bình thường?? mình nhớ thầu xây dựng đâu có nghèo dữ dzị và sai mấy lỗi cơ bản dzị ta? bữa mình làm nội thất căn hộ xây sẵn mà gửi bản thiết kế từ chủ đầu tư xong, đích thân ông chủ thầu lên đo kỹ lưỡng, chứ chưa nói là 1 công trình nhà phố ở cái khu đất mà theo phim là mấy trăm t.riệu 1 mét. Vẫn là 1 ý tưởng ngành nghề tốt nhưng cách chọn tình huống chưa sâu.
~ Câu chuyện của gia đình gái thứ ở Đà Lạt làm mình không thích lắm, kiểu thế hệ của người mẹ phải gồng mình sống với cái tôi giả để lo cho con, giờ tới con cũng phải sống với cái tôi giả để làm vui lòng mẹ. Như vậy càng làm mình thấy gia đình này kết nối không chặt. Ai cũng dùng cái tôi giả để đối với nhau. Có phải vì chúng ta quen với việc, phải thành công phải hạnh phúc mới được chấp nhận, mới là tốt? Mình nhớ khi mình học tâm lý cô giáo có nói một gia đình thành công là gia đình tạo cho con cái cảm giác muốn quay về dù khi thành công hay thất bại.
~ Chi tiết không thuê được hộ lý hay người giúp việc trong thế kỹ này năm 2024 cũng không thuyết phục mình nhen. Trong điện tthoại mình có 2 cái app về giúp việc nhà mình có lướt coi sơ sơ thì đủ tỉnh thành hết, và lúc còn trông người thân ở BV mình cũng biết đến 1 chục dịch vụ chăm sóc người bệnh ở bệnh viện, miễn là có tiền thôi ở đâu mà chả thuê được người. Chỉ là mất thời gian hướng dẫn họ và xem có hợp để tiếp tục hay đổi người không. 2024 rồi mà…
4. Kết phim khá gượng gạo và thông điệp không rõ ràng
Như mình đã nói ở trên cách mà phim đặt tình huống, mở rộng bối cảnh thì hay nhưng cách xử lý tình huống thì rất gượng, gồng. Mình thật sự không hài lòng với việc bà mẹ bán đất xong rồi bỏ đi. Goy mấy người con ban đầu quan tâm đất cát giá cả này nọ, xong khi được biết chia cho 2 tỳ thì đi tìm nhiệt tình hẳn :)))
Chi tiết mẹ bỏ đi lại càng làm mình khẳng định chắc nịch người mẹ này nghĩ là bà thương con nhưng thực sự bà không thương con!
Vì nếu thực sự thương một người thì sẽ biết nghĩ cho con. Việc bà bỏ đi như vậy bả có nghĩ là con cái liệu có sống yên ổn được không?
Mình nhớ hồi xưa mẹ mình đi lạc chậm 1 tuyến bus đến bệnh viện trễ 15 – 20p hay về nhà trễ 1 chút là mình hoang mang tột độ đứng ngồi không yên rồi. Vậy thì việc lấy bản thân mình ra đày đoạ con cái có phải cách hành động của một người mẹ thương con? rồi nếu không tìm được bà tìm cả phần đời còn lại các đứa con, cháu sẽ sống thế nào trong sự dằn vặt tội lỗi đó?
Với mình thì cách yêu thương một người, trước hết bạn hãy sống tốt phần của bạn trước và dám nói ra nhu cầu chính đáng của bản thân để đôi bên cùng nâng đỡ nhau. Còn trong một mối quan hệ mà đôi bên cứ phải dùng cái tôi giả để sống với nhau thì thực sự mình không thấy tình cảm sâu nặng ở đây, mình chỉ thấy họ có sự không ổn về tâm lý.
Dù phim không có ý đổ lỗi trực diện cho con cái, vì cách xây dựng mạch phim cho thấy mỗi gia đình của từng thành viên đều có những vấn đề riêng và khi gặp mẹ thì ai cũng hết lòng tuy vậy mình vẫn thấy cách xây dựng phim có gì đó hơi hướng thiên lệch cho người mẹ hơn. Trong tiếp cận trị liệu theo hướng hệ thống gia đình, mình nhớ có nguyên tắc “thiên vị đa hướng” có nghĩa là không nghiêng về ai hết, để mọi người đều thấy trách nhiệm và sự góp chung và vấn đề và giải pháp. Củng theo lý thuyết tiếp cận này thì con cái là “sản phẩm” của cách giáo dục từ cha mẹ, nên nếu chỉ đổ lỗi cho con cái thì hơi không công bằng. Vì nếu phụ huynh không tạo trải nghiệm và dạy con cách ứng xử thì khó mà đòi hỏi con cái phải theo ý mình mong đợi. Giữa điều mong đợi và cách giáo dục liệu có khớp chưa? và chúng ta không thể đòi hỏi ở người khác cái họ chưa từng được nhận.
Thông điệp khá mơ hồ ở chỗ
Cái kết là bà mẹ bỏ vô viện dưỡng lão, vậy vai trò của viện dưỡng lão trong XH hiện đại là gì? tốt hơn 1 xíu nếu mạch phim tiến sâu để XH có cái nhìn đúng đắn về vai trò của viện dưỡng lão.
Đến giờ vẫn còn nhiều người nghĩ đưa phụ huynh vào viện dưỡng lão là xấu là bất hiếu. Với mình thì không hẳn như vậy, còn nhiều người để phụ huynh ở nhà lủi thủi một mình hay rủi ro không ai chăm rồi ra đi không ai biết thì thế nào?
…
Nhìn chung, so với mức của kịch bản điện ảnh Việt thì phim Lật Mặt có thể được coi là trên trung bình, chỉn chu và xứng đáng để được ủng hộ.
Mình hy vọng thêm 1 chút là tương lai các nhà làm phim có thể kết hợp với các góc nhìn tâm lý để kịch bản mang tính thuyết phục và chiều sâu hơn.
Cảm ơn ai đó nếu đã đọc tới đây, bạn xứng đáng được coi là người kiên nhẫn.
*Hoan hô*
Hình: Internet