CÂU CHUYỆN “CHỊ GÁI TÔI”
Một trường hợp điển hình của nhiều trường hợp tương tự như thế trong cuộc sống này.
Chị A được sinh ra làm con cả trong một gia đình bất ổn: có người cha nát rượu. Liên tiếp có 5 em trai và 1 em gái út. Người mẹ một mình gồng gánh chồng và 7 miệng ăn. Trong những gia đình bình thường cha và mẹ san sẻ nhau trách nhiệm gánh vác gia đình. Trong gia đình chị A, mẹ chị gánh hết tất cả. Với vai trò con gái đầu lòng, chị A đương nhiên cùng mẹ gánh gồng kinh tế và đóng vai trò mẹ 2 của các em nhỏ.
Tuổi thơ nhiều tổn thương, đứa trẻ phải gánh trách nhiệm người lớn quá sớm: phụ mẹ làm việc, phụ mẹ chăm em, miếng ngon, áo lành cũng dành cho các em. Đứa trẻ hiếu thảo đó lớn lên được sự ghi nhận của hàng xóm xung quanh, của chính các đứa em và người mẹ. Ai cũng thấy A giỏi, A “hiểu chuyện, đứa bé tốt”. Nhưng ít ai quan tâm A cũng có nhiều nhu cầu chính đáng nhưng đã bị chôn vùi hết trong hình mẫu người chị cả đảm đang.
Dần dà những tổn thương chất chồng vì thiếu đi những nhu cầu chính đáng không được đáp ứng. Đứa trẻ trong chị A lớn lên, nhu cầu ban sơ vẫn còn nhưng chưa hề được quyền bộc lộ. Sự tán thưởng từ bên ngoài càng củng cố sâu dày lớp vỏ bọc về sự chu toàn. Người chị càng thấy mình phải luôn sống đúng vai trò hy sinh. Dần dà chị thấy giá trị của bản thân chỉ có được khi hy sinh vì người khác, nhu cầu bản thân là thứ xa xỉ cần quên đi.
Khi cuộc sống ổn định, chị A cũng có người thương. Giữa 2 người: 1 hiền lành tử tế sống độc lập và 1 nhiều tật sống, sống lệ thuộc gia đình. Mọi người đều khuyên chị chọn người 1, nhưng chị lại chọn người 2. Chị bảo với anh 1: “Anh rất tốt nhưng em rất tiếc, em không có cảm xúc với anh”.
Mô típ gia đình từ thế hệ trước được lập lại. Chị lại tất tả lo cho anh chồng vô dụng. Người ngoài thương chị khổ hoài. Nhưng thực chất, đó là chị đã lựa chọn bởi chính những thôi thúc từ vô thức sâu thẳm chất chứa bao tổn thương chưa được chữa lành.Nếu chị chọn anh 1 thì chị sẽ làm gì bên cạnh 1 người chồng hoàn hảo? chị sẽ cảm thấy giá trị mình không còn khi mình không còn được hy sinh, được tiếp tục tán thưởng bởi bên ngoài…..
Đâu đó, ngoài xã hội chúng ta thấy rất nhiều trường hợp như thế. Hình mẫu hôn nhân của thế hệ trước, thế hệ sau sao y bản chính. Những người cha người mẹ mà những đứa con hồi nhỏ từng hứa với lòng sau này nhất định không lấy người như thế, nhưng rồi lại “có cảm xúc” với chính hình mẫu cũ, dù đối phương có nhiều điểm tệ…..
NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ TỔN THƯƠNG SẼ RA SAO?
Chúng vẫn lớn lên theo năm tháng trong những vỏ bọc người lớn thành đạt, rắn rỏi, xinh xắn, giỏi giang nhưng bên trong:
+ Những nhu cầu thiếu hụt năm xưa vẫn không ngừng thôi thúc những hành động để thoả mãn. Thật khó để kiếm tìm tình yêu vô điều kiện thuở ấu ơ nơi người nuôi dưỡng khi đã là người trưởng thành làm sao kiếm được nơi người dưng?
+ Khả năng phòng vệ và tạo ranh giới an toàn cho bản thân trong các mối quan hệ rất kém: một là bám dính lệ thuộc, dù bị đối xử tệ tới đâu cũng không dám rời đi; hai là né tránh thân mật, biến mất ngay khi mối quan hệ chuyển qua giai đoạn thân mật cam kết, dù bản thân khát khao được yêu thương. Luôn kêu gào yêu thương nhưng có thì lại bỏ đi.
+ Khó có khả năng tự đáp ứng nhu cầu bản thân: luôn khao khát sự ghi nhận, tán thưởng từ bên ngoài. Cố gắng làm mọi việc, đóng nhiều vai trò, gồng mình lên hài lòng người khác để nhận ra sự công nhận và 1 chút thuộc về nơi nào đó, xoa dịu sự nghi ngờ về giá trị bản thân
. … KHI TA VỘI VÃ KHẲNG ĐỊNH SỰ “LÀNH” CỦA BẢN THÂN CHỐI BỎ TỔN THƯƠNG ĐÃ CÓ
Cả đời ta phải đeo mặt nạ, phải dùng trọn năng lượng để giữ cho mặt nạ không rơi, ta sống giả:
+ Giả bộ giàu hơn mức mình có+ Giả bộ giỏi hơn mức mình là+ Giả bộ tốt, cao thượng hơn thực sự tim mình có
+ Giả bộ thấy mình đáng yêu, tự huyễn về sự yêu mình …Ta sợ người khác thấy được thật chất 1 người run rẩy yếu đuối đầy vết thương…..
..Mặt nạ càng dày, ta càng mất năng lượng và dần quên mặt thật của mình.
Giữa 1 XH, ta đeo mặt nạ, người xung quanh cũng đeo mặt nạ, 2 bên rất khó chạm vào nhau, rất khó để kết nối sâu. Ta cố quên tổn thương, phủ nhận nó và ĐI TRỐN
+ Ta trốn trong sự nghiện ngập (chất, thuốc): những con người đáng thương công khai
+ Ta trốn trong thú vui (du lịch liên tục, ăn uống, mua sắm…)
+ Ta trốn trong công việc (nghiện việc, luôn tỏ ra mình cống hiến hết sức lực…)
+ Ta trốn trong vai bệnh nhân, nạn nhân (luôn mở miệng tôi không thể làm gì vì tôi yếu lắm, vì người này kia luôn hại tôi…)
+ Ta trốn trong vai người cầu toàn: đi bắt bẻ, kiểm soát người khác.. tỏ ra mình hoàn hảo
+ Ta trốn trong tôn giáo, các hoạt động thiện nguyện tìm cho mình sự an yên giả, lý tưởng cao đẹp bề ngoài để đời ghi nhận… chính những người mang đầy rẫy tổn thương sống với mặt nạ nhiều thật nhiều đi trốn tại những nơi tôn giáo như vậy rồi va chạm nhau, khiến cho người ngoài lại có cái nhìn lệch về tôn giáo kiểu “ủa sao có đạo mà hành xử kỳ? ủa sao anh B chị C ông D bà E người có đạo mà làm vậy..”..
…Có những điều tưởng chừng là “lành thánh” ta vin vào nhưng nếu không tỉnh táo thì ta cũng chỉ là đi trốn nỗi đau của mình, làm việc tốt để thoả mãn mình chứ không phải thực lòng thấu cảm với ai cả.
Dấu hiệu của sự thôi thúc từ vô thức chứa đẩy tổn thương:
HÀNH ĐỘNG THÁI QUÁ, BẤT CẬP cho dù đó là hành động tốt..
…Bạn có đang ĐI TRỐN NỖI ĐAU CỦA CHÍNH BẠN? VẾT THƯƠNG CỦA BẠN LÀNH THẬT HAY ĐANG ĐƯỢC CHE ĐI?
(Còn tiếp)
Hình: Pinterest
P/s: Nếu bạn đọc hiểu và bài chia sẻ này có mang lại giá trị gì cho bạn thì cmt phía dưới Trang biết nghe!