INSIDE OUT 2 VÀ 6 ĐIỀU ĐÁNG NHỚ

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on tumblr
Share on pinterest
Share on email
Share on skype
Share on telegram

Chia sẻ tới mọi người để trao đi nhiều giá trị hơn bạn nhé! 

“Riley cần Buồn và chúng ta cũng cần Buồn”

9 năm trước mình nhớ coi phim Inside out 1 cũng thấy dễ thương vui vui nhưng lúc đó mình chưa quan tâm đến tâm lý học, cũng chưa chú ý về khái niệm cảm xúc nhiều nên bộ phim cũng lướt nhẹ qua. Rồi sau này học về cảm xúc và nghe nhiều người nhắc về phim Inside out, coi lại và mình thấy nó thú vị, nhiều ấn tượng hơn hẳn. Mong chờ cả nửa năm để được gặp lại các cảm xúc đáng yêu trong phim.

Hôm phim công chiếu là mình có lớp dạy online đến 9g00 tối, ăn cơm tối xong 9g30 vì rạp kế nhà hông có suất chiếu khuya nên đã chạy 26km cả đi cả về để coi suất 22g15. Coi xong về tới nhà là sáng hôm sau luôn :))

Ban đầu định không viết gì về phim này cả, vì gần như mình không rời mắt 1s nào trong suốt bộ phim, hài lòng tuyệt đối á. Nhưng mà phim hay mà ko viết thì cũng hơi thiếu sót nhỉ.

Và đây là 6 điều mình được nhắc nhớ sau khi xem phim Inside out 2:

1/ CHÚNG TA CẦN CHẤP NHẬN CẢM XÚC CHỨ KHÔNG PHẢI CHỐI BỎ

Điều này ít nhiều ở phần 1 người xem cũng đã biết, khi chúng ta thấy được giá trị của Sadness ở phân đoạn phim an ủi Bing Boong “Bạn buồn lắm phải không?”

Qua phần 2 thì chúng ta thấy các giá trị của cảm xúc được tô đậm hơn với sự xuất hiện của các bạn cảm xúc mới: Lo âu, Ganh tỵ, Chán nản, Xấu Hổ.

Với hoạt động tại trung khu điều khiển, bàn điều khiển được mở rộng thêm ra chào đón sự hợp tác của các cảm xúc mới. Người xem sẽ thấy được Lo âu giúp ta dự liệu tính toán, Ganh tỵ giúp ta có động lực phấn đấu, Chán nản giúp ta chậm lại trong các hoạt động (có khi sự chậm lại là đúng, không phải lúc nào nhanh cũng tốt), Xấu hổ giúp ta nhìn nhận bản thân và không tự kiêu, cũng tránh làm những hành vi sai.

Bình thường chúng ta thường được nghe cách phân chia cảm xúc thành 2 khái cực khác nhau: cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Nghe từ tiêu cực đa phần con người sẽ có ác cảm và nghĩ cần triệt tiêu ngay, thậm chí 1 số người ngày nay còn cổ vũ cho lối suy nghĩ tích cực mọi lúc mọi nơi (kiểu tích cực độc hại á).

Nhưng thực tế thì chúng ta thấy đó, cảm xúc nào cũng quan trọng, chúng ta phải thừa nhận để hiểu bản thân.

2/ NIỀM TIN CỐT LÕI VỀ GIÁ TRỊ BẢN THÂN ĐƯỢC HÌNH THÀNH QUA NHỮNG SỰ KIỆN QUAN TRỌNG, ĐẶC BIỆT LÀ THỜI THƠ ẤU

Trong phim mình sẽ thấy có 1 vùng khi thả những viên tròn sự kiện xuống sẽ bấm rễ và hình thành 1 phần của niềm tin cốt lõi về giá trị bản thân. Ban đầu khi vực đó chỉ có cảm xúc Vui quản lý, rồi sau đó Buồn cũng được ghé thăm. Ban đầu Vui lọc ra những sự kiện có lợi cho Riley, Vui nói “hàng tốt thì bà chào đón hàng dỏm thì bà tiễn vong”. Nhưng dần dà theo mạch phim, Riley đến thời kỳ dậy thì, cô bé lớn lên mỗi ngày, cảm xúc trong cô cũng trưởng thành theo. Rồi đến lúc Vui cũng nhận ra, bông tuyết 1 màu không đủ để phản ánh niềm tin về con người cô bé. Cô bé Riley cần tất cả để phản ánh đúng con người.

Những sự kiện ấu thơ, những sự kiện quan trọng trong hành trình lớn lên, sự tương tác với chính mình và bên ngoài giúp Riley định hình về niềm tin vào bản thân, con người và thế giới.

3/ KHÔNG NÊN ĐÈ NÉN CẢM XÚC, KHÔNG HOÀN HẢO THÌ ĐÃ SAO?

Mình rất là thích cái hình tượng đè nén cảm xúc được cụ thể hoá bằng việc các cảm xúc bị nhét vào 1 cái chai. Con người chúng ta bình thường vì nhiều lý lẽ chúng ta cũng thường đè nén cảm xúc thật của mình, vì sao? vì sợ mất hình tượng đang cố tạo ra, vì để đạt mục tiêu nào đó, vì sợ đối mặt, vì sợ mình bị người khác đánh giá không đủ tốt, không đủ tiêu chuẩn theo đám đông.

Và cái chai cảm xúc nếu cứ nén xuống nén xuống thì đến lúc sẽ b-ù-n-g n-ổ thôi.

Những hành vi tác động vật lý, lời nói xúc phạm, .. cao nhất là sự ngắt kết nối trong giao tiếp đó chính là sự bùng nổ của cái chai cảm xúc đó thôi.

Không hoàn hảo thì đã sao, con người sinh ra vốn yếu ớt mà, chúng ta cần môi trường giao tiếp tương tác cùng nhau để từng bước vững vàng và hoàn thiện không ngừng.

Ai cũng sẽ có lúc buồn, sợ, giận, khinh .. điều đó hết sức bình thường, vì ta là CON NGƯỜI chứ hem phải robot.

Việc thừa nhận “ừ tôi không hoàn hảo” giúp giải phóng sự đè nén và từng bước giúp mình chấp nhận bản, thân sống thật hơn.

4/ CẢM XÚC NÀO CŨNG CÓ GIÁ TRỊ, CÁI CHÚNG TA CẦN HỌC LÀ ĐIỀU TIẾT CẢM XÚC

Vài người hỏi mình, hông đè nén cảm xúc vậy là mình được quyền binh thẳng vô mặt người khác hay là hét lên chửi bới người xúc phạm mình hả? Ah tất nhiên hông phải vậy, việc thừa nhận cảm xúc đang có và việc lấy lý do cảm xúc cá nhân để tổn thương chính mình hay người khác thì khác nhau nhé.

Có lẽ vì tính đến thời điểm này thì phần lớn chúng ta ít được dạy về quản lý, điều tiết cảm xúc, đa phần được dạy nín, nuốt, nén, nhịn kiểu “Phải tích cực lên, phải luôn vui để được yêu thương” “Một sự nhịn chín sự lành” …

Bước đầu của điều tiết cảm xúc là thừa nhận cảm xúc, gọi tên đúng cảm xúc đang có, quan sát cơ thể thông điệp phía sau cảm xúc là gì.. rồi sau đó học cách bộc lộ cảm xúc cách lành mạnh. (Đây là 1 nội dung khá dài mình có nhiều video trên kênh Youtube Lê Mỹ Trang về SẮC MÀU CẢM XÚC và cả KH QUẢN TRỊ CẢM XÚC để nói về điều này rồi)

Trong phim chúng ta thấy Lo âu nếu đúng mực có thể giúp con người có những kế hoạch dự phòng cho cuộc sống tránh rủi ro, tuy nhiên nếu lo âu quá mức thì rất nguy hiểm, cái vòng xoáy điền cuồng như cơn lốc màu cam diễn tả điều này rất chân thật: khi vòng xoáy lo âu bật lên và không được kìm hãm lại thì Riley tim đập nhanh, tay chân run lẩy bẩy, và toàn thân bấn loạn không biết phải làm sao.

5/ LỚN LÊN RỒI AI CŨNG SẼ KHÁC

Thời kỳ dậy thì là cột mốc rất quan trọng, chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về mặt tâm thể lý. Các cô bé cậu bé từ tuổi thơ ấu bước qua cánh cửa dậy thì để trưởng thành thành các thanh niên thiếu nữ. Thời kỳ này điều chúng ta dễ quan sát là sự thay đổi về các chỉ số cơ thể: chiều cao, cân nặng, dấu hiệu của tính dục… những bên trong còn điều chúng ta khó thấy hơn đó là sự hoạt động mạnh gấp nhiều lần của các hocmon giới tính, thời kỳ cảm xúc mạnh mẽ trào dâng … nếu quá trình vận hành não bộ thời kỳ này được hiện hữu cách rõ ràng ai cũng có thể quan sát được như quả cầu tuyết, chắc hẳn các cô cậu tuổi teen sẽ được yêu thương và cảm thông nhiều hơn. Vì sau hình ảnh nổi loạn là sự hỗn độn về cảm xúc phía trong.

Ai cũng sẽ phải lớn lên phải thay đổi, và khác đi theo nhiều nghĩa, đó là quá trình tiến hoá bình thường con người cần bước qua để trưởng thành.

6/ NỔI BUỒN CÓ GIÁ TRỊ THẬT ĐẸP

Mình tin không phải không có mục đích mà cả phần 1 và phần 2 bé Sadness ú u màu xanh được ưu ái xuất hiện khá nhiều trong các phân cảnh. Trong Inside Out 1, Nỗi buồn ở lại với cảm xúc của Bing Boong để chàng voi hồng chấp nhận việc tuổi thơ lùi lại trong ký ức để Riley lớn lên. Trong Inside Out 2, Nỗi buồn lại giúp cho Riley trưởng thành hơn về cảm xúc và hành vi.

Thực tế, chúng ta sẽ dễ dàng lắng lòng và phản chiếu hình ảnh bản thân nhiều nhất khi ta buồn. Nghĩ lại xem nào, có phải khi ta vui ta được thôi thúc làm rất nhiều, nói rất nhiều, rất hoạt bát và luôn muốn tiến lên tiến lên. Khi ta buồn ta có thời gian soi rọi lại mọi thứ rõ nét và nhận ra, ồ mình đang thế nào? vì sao mình lại thế.

Mình cực thích đoạn thoại của Vui và Buồn trong Inside 2. Nếu như trong Inside Out 1, cô bé Vui đã nói: “Buồn à, cậu đừng làm mọi việc tệ hơn, hãy tránh xa cậu ấy ra”

Thì trong phần 2 Vui đã nói: “Buồn à, cậu làm được, Riley cần cậu”

Vâng, Riley cần Buồn và chúng ta cũng cần Buồn.

Nghĩ rộng ra xem, có phải nhiều lúc trong cuộc sống, cảm xúc tiêu cực thôi thúc chúng ta có những hành động đúng sao?

Nếu nhiều người cổ vũ nhau “tích cực lên” thì cũng có những tình huống ta cũng cần “tiêu cực lên” heng.

Choy oy, mình yêu cái bé Sadness này quá chừng, đây là tạo hình mình yêu thích nhất trong cả 2 phần.

…..

Ngoài 6 điều trên thì mình cũng có lời khen cho việc nhà làm phim đã tạo hình nhân vật rất xuất sắc khi từng nhân vật toát lên được bản chất. Ngoài các cảm xúc chính thì Bà Hoài Niệm cũng tuyệt vời lắm nha, cưng lắm.

Và cuối cùng thì, mình liệt kê thêm những khái niệm phức tạp trong tâm lý mà ekip làm phim đã mô hình hoá được đưa lên phim rất sinh động, dành cho ai quan tâm có thể research để hiểu thêm nhé:

1. Trung khu não bộ điều khiển cảm xúc

2. Vùng ký ức

3. Niềm tin cốt lõi

4. Cơn động não

5. Giả thiết tâm trí

6. Lo, sợ và chứng rối loạn lo âu

..

Cảm ơn ai đó nếu đã đọc hết bài này, bạn xứng đáng được ghi nhận là người kiên nhẫn ahihi.

Chúc bạn có cuộc sống nhiều sắc màu!

Tác giả: Lê Mỹ Trang

Hình: Pinterest

P/s: Hy vọng Pixar cho ra thêm phần 3 4 5 nhanh nhanh đừng để gần 1 thập kỹ mới ra, có khi tới lúc đó mình chống gậy đi coi hoạt hình mất.

2 Trả lời “INSIDE OUT 2 VÀ 6 ĐIỀU ĐÁNG NHỚ”

  1. Cám ơn Cô Trang đã chia sẻ, E chưa xem phim và cũng không có cơ hội xem, nhưng qua Cô, E thấy mình được như “đi xem phim”vậy. Cám ơn Cô luôn là nguồn động viên, nơi Cô luôn mới. Mong sẽ tiếp tục được nghe những điều chia sẻ của Cô. Trân quý Cô ! Cám ơn Cô!

    1. Cảm ơn sự đón nhận của bạn Hồng Hạnh nhé. Bạn có thể tìm phim Inside Out p1 ở trên mạng vì phim cũng chiếu cách đây 9 năm rồi. Còn phần Insideout 2, bạn có thể chờ 1 thời gian nữa cũng có thể coi lại trên mạng nếu hông có cơ hội ra rạp nè. Chúc bạn an vui.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page

Logo Hiểu mình hiểu người

Bạn vui lòng cung cấp thông tin để chúng tôi liên hệ sắp xếp lịch tham vấn cho bạn