Một năm học mới đã bắt đầu… Năm nào vào đầu năm chuẩn bị tiết giảng đầu tiên của năm, mình đều hồi hộp lo lắng 1 chút kiểu như lần đầu đi dạy vậy. Dù có chục năm thì cảm giác vẫn y vậy. Nhân dịp đầu năm học mới, Trang chia sẻ sẻ 8 quan điểm về dạy – học sau gần 10 năm làm công tác giáo dục.
1. Môn học có thành công phụ thuộc nhiều yếu tố không phải chỉ từ người GV.
Trong nhiều yếu tố đó thì GV và học viên là 2 yếu tố quan trọng nhất. Còn lại là đề cương môn học, cơ sở vật chất, thời tiết, thời sự, những người liên quan gần xa… đều tác động ít nhiều. Chúng ta không thể kỳ vọng kiến thức được truyền đi theo kiểu vận công và chưởng một phát bùm chéo như trong phim là người học lĩnh hội được toàn bộ.
Như có những thầy cô muốn mở rộng bài thật nhiều, thiết kế hoạt động thật nhiều, áp dụng các phương pháp sư phạm tích cực thật nhiều nhưng còn áp lực về thời gian, về giới hạn vật chất, về giới hạn quy định, còn phải phân bổ nguồn lực cho nhiều hoạt động ngoài việc dạy học. Ai đến giờ mà còn giữ tư tưởng GV chỉ là người soạn giáo án và đi dạy thì rất thiếu sót rồi đó. Giảng dạy chỉ là một phần lớn trong list công việc dài của người GV nhé!
2. Không có người thầy hoàn hảo
Bữa tham dự chuyên để về “Khai vấn trong dạy học”, diễn giả đặt ra câu hỏi là “Kể về người thầy bạn ấn tượng và những đức tính bạn học được từ thầy/cô đó?” Mình nhớ thầy cô tốt đi qua đời mình may mắn cũng nhiều. Nhưng người mình nhớ nhiều là thầy dạy thêm, vì không chỉ bài học mà còn là cách sống. Câu nói nhớ mãi khi thầy động viên mình trong giai đoạn bảo vệ đề tài tốt nghiệp đại học: “Em phải sống mạnh mẽ lên”.
Sau này, cuộc sống của thầy cũng gặp nhiều biến cố bị phá sản và tan vỡ trong tình cảm. Nhưng giờ mình đủ lớn để nhận ra để tách biệt những giá trị thầy trao tặng và cuộc sống riêng của thầy. Như ngày nay, nhiều người hay không phân biệt được giữa sản phẩm nghệ thuật các idol cống hiến và đời tư của họ, Nhập nhằng rồi từ đó sinh ra dramma, sinh ra thất vọng.. đâu ai là thánh sống. Thầy cô cũng vậy thôi.
3. Có những bài học phải khá lâu trò mới hiểu được
Chúng ta thường dạy theo kiểu mô típ: kiếm tra đầu giờ, giảng bài mới, làm bài tập/thảo luận, rồi đúc kết, kết thúc và hỏi các bạn trẻ có hiểu không? thường thì tụi nhỏ sẽ trả lời: “Hiểu ạ, và nhanh chóng ra về”( cho dù chưa chắc hiểu hết :))). Nhưng không phải bài học nào cũng hiểu hết tại lớp. Có những bài học mà phải va vấp phải trải nghiệm cuộc sống nhiều 1 tí, xa 1 tí ngẫm lại mới hiểu được.
Như thỉnh thoảng có vài học trò từ đời đầu nhắn tin tâm sự khi các bạn trẻ í giờ làm cha làm mẹ và không còn “cá biệt” như xưa nữa.
4. Người thầy giỏi truyền cảm hứng chứ không chỉ truyền kiến thức
Có câu này mình rất thích: “Không ai giỏi bằng tất cả chúng ta”. Ai nói thì mình quên rồi, nhưng cho thấy rằng thầy cô có giỏi tới đâu thì cũng chỉ là 1 góc nhìn, 1 cá thể. Còn mọi thứ thì vô tận. Làm sao cho người khác ham thích và tự đi tìm từ nhiều nguồn khác và liên tục tốt hơn nhiều kiểu “học hết chữ của thầy”. Mình có gom một ít tài liệu phương pháp sư phạm tích cực TẠI ĐÂY, dành cho ai cần có thể tự do tải về nhé.
Giống như trong 1 lớp học tâm lý cô giáo mình từng bảo: “Bây giờ rộ lên phong trào huấn luyện kỹ năng cho đội ngũ, các tập đoàn bỏ ra tiền tỷ để thuê chuyên gia về đào tạo. Nhưng cái chính không phải họ không-biết-làm mà là họ không-muốn-làm”
5. Dạy và học là quá trình tác động qua lại nhiều chiều
Thầy cũng học nhiều từ trò. Với mình thì kiến thức và kỹ năng giữa người này và người kia nó chỉ là người biết trước và người biết sau thôi. Thầy cô đúng là có thể biết nhiều hơn học trò ở những khía cạnh thầy cô đào sâu, quan tâm nhưng học trò cũng vậy, có nhiều thứ rất giỏi thầy cô chưa biết có thể học ngược lại trong quá trình dạy – học.
Như bữa bé trợ giảng còn chỉ mình xài Macbook, mí bé học sinh đầu tiên thì chỉ mình chơi Uno Ma sói =))
6. Phản ứng của người học là phản ảnh cả một bối cảnh mà họ được sinh ra và lớn lên
Quan điểm này mình bổ sung vào 2 năm gần đây khi chạm ngõ tâm lý học. Vì hành vi của người học ở thời điểm hiện tại đó không phải nói lên bản chất của họ. Cách ứng xử của một người phản ứng nơi họ sinh ra, được giáo dưỡng và những biến cố họ gặp trong đời góp phần hình thành nên quan điểm của họ về cuộc sống và trong đó có cách ứng xử với thầy cô.
Nên dần dà mình chấp nhận có những học trò hoàn toàn không thích thú môn mình dạy, đơn giản vì không thể nào học trò yêu thích hết toàn bộ chương trình học, phải có môn thích và môn chưa tìm ra lý do để thích.
7. Không có những chỉ số tuyệt đối mỹ mãn cho dù bạn là ai
Mỗi một học kỳ ở trường hay kết thúc 1 khóa đào tạo ở doanh nghiệp, 1 chuyên đề được mời dạy bên ngoài. Mình thường ngồi đọc lại các ý kiến phản hồi của họ viên.Thời gian đầu, mình đọc những lời khen và quên nó đi, chỉ ghi lại những lời góp ý để cải thiện. Mình sợ sẽ chìm trong những lời hoa mỹ có cánh. Và mình thường băn khoăn rất lâu trước những góp ý (cho dù có khi đó chỉ là ý kiến cảm tính không được khách quan)
Nhưng gần đây, mình ghi lại cả 2 lời khen và lời góp ý/phê bình. Mình nhận ra rằng không có gì là tuyệt đối. Chúng ta dám đối diện lời phê bình và cũng xứng đáng ghi nhận bản thân để phát huy những điểm tích cực.
8. Học là cả đời, qua thời gian chúng ta chỉ đổi không gian và cách học
Việc học không chỉ gói gọn trong trường cấp 1 2 3 hay trường đại học. Không chỉ là học trong nước hay du học. Học là cả đời. Chỉ là bạn lớn lên bạn thay đổi không gian học tập và cách học thôi.Thay vì ban đầu bạn ngồi trong những không gian cụ thể của những ngôi trường qua các cấp, học chung với bạn bè chung một vài cô thầy. Sang việc bạn tự học trước laptop, học online chung hàng trăm hàng ngàn người. Sang việc bạn mua khóa học và tự học từ những video quay sẵn. Sang việc bạn tự học qua trải nghiệm xê dịch. Và n kiểu học khác..
Như một vài cách học khác ngoài việc đến trường lớp của mình: đọc sách, xem youtube, nghe postcard, mua khóa học online để chủ động thời gian học, tham gia các cộng đồng chuyên môn, học qua trải nghiệm, học qua phục vụ cộng đồng…
……….
CHÀO MỪNG NĂM HỌC MỚI, MẾN CHÚC NGƯỜI DẠY VÀ NGƯỜI HỌC ĐỀU HẠNH PHÚC AN VUI!!